Chủ đầu tư dự án bất động sản có vốn FDI: Thận trọng trước toan tính mới
Nguồn tin riêng của Báo Đầu tư Online – Baodautu.vn cho biết, Liên doanh Mitsubishi – Bitexco đang xem xét việc đưa sản phẩm nhà ở thấp tầng (nhà phố, biệt thự liền kề) tại Dự án The Manor Central Park tại phường Đại Kim (quận Hoàng Mai, Hà Nội) và xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì, Hà Nội) ra thị trường trong quý IV/2016. The Manor Central Park là dự án bất động sản quy mô lớn và đẳng cấp cao (với mức giá bán dự kiến trên 100 triệu đồng/m2 nhà thấp tầng) được giới thiệu đến khách hàng Hà Nội trong năm 2016. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chủ đầu tư vẫn chưa thống nhất được ngày giới thiệu sản phẩm, dù các yếu tố về pháp lý cũng như điều kiện thi công thực tế đã sẵn sàng.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản có nhiều chủ đầu tư trong nước bán nhà dưới dạng các hợp đồng góp vốn (do chưa làm xong hạ tầng), động thái này ở The Manor Central Park cho thấy một sự cẩn trọng đặc biệt. Một mặt, Bitexco không bị sức ép quá lớn về vốn đầu tư, sau khi huy động thành công khoản đầu tư 290 triệu USD từ Mitsubitshi, đồng thời, ý thức được giá trị của khu đất “vàng” có mặt tiền hướng ra đường vành đai III mà đơn vị này được giao làm chủ đầu tư. Trong điều kiện thị trường nhà ở được dự báo là tiếp tục triển vọng trong năm 2017 và đến 2, 3 năm tiếp theo, thì đó là sự thận trọng có tính toán.
Trước đó, Tập đoàn Perdana (Malaysia) sau khi mua lại toàn bộ phần vốn góp tại Liên doanh Vinaconex – Hoàng Thành và Perdana ParkCity tại Khu đô thị Park City (quận Hà Đông, Hà Nội) cũng đã có khoảng thời gian kéo dài nhiều tháng để cơ cấu lại sản phẩm, dịch vụ. Cụ thể, Perdana đã giảm diện tích đất ở từ hơn 30 ha xuống còn 15 ha, tăng diện tích đất trường học từ 5,6 ha lên 8,4 ha và dành riêng 10,8 ha trồng cây xanh. Chủ đầu tư cũng tiến hành xây dựng hạ tầng, hoàn thiện cảnh quan trước khi chào bán sản phẩm biệt thự, nhà liền kề ra thị trường với mức giá khá cao.
Mới đây, một nhà đầu tư Nhật Bản khác là Công ty TNHH Kajima Overseas Asia, đã quyết định đầu tư 500 triệu USD vào thị trường bất động sản Việt Nam bằng việc liên doanh với Quỹ đầu tư Indochina Capital (tỷ lệ 50/50) để thực hiện các dự án nhà ở, khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, các dự án của Liên doanh Indochina Kajima sẽ được triển khai trong khoảng thời gian 10 năm, nên phải đến đầu năm 2018, sản phẩm của Liên doanh này mới có thể được đưa ra thị trường.
Phân tích thị trường bất động sản Việt Nam, do Công ty TNHH Jones Lang Lasalle Việt Nam (JLL) tiến hành, dự báo triển vọng tương đối lạc quan của thị trường này trong thời gian tới.
Bà Regina Lim, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và tư vấn thị trường vốn của JLL cho rằng, là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng, với khoảng 60% (trong tổng số hơn 93 triệu dân) dưới 35 tuổi. Sau ngành sản xuất và chế biến, bất động sản hiện là lĩnh vực nhận được vốn đầu tư nước ngoài lớn thứ hai trong hai năm vừa qua tại Việt Nam (khoảng 1 tỷ USD vốn đăng ký mới). Theo đại diện JLL, nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã tăng trưởng đáng kể trong 5 năm qua. Trong năm 2014, lạm phát giảm, lãi suất huy động và cho vay lần lượt giảm xuống đã giúp cho môi trường đầu tư trở nên ổn định hơn. Niềm tin nền kinh tếViệt Nam tăng trưởng đã khôi phục sự quan tâm đầu tư vào lĩnh vực bất động sản từ năm 2013. Đồng thời, chính sách mới tạo điều kiện cho người nước ngoài sở hữu bất động sản tại Việt Nam đã thúc đẩy lượng giao dịch nhà ở gia tăng. Giới chủ đầu tư bất động sản đã tiêu thụ được khoảng 24.000 căn nhà trong năm 2015 và 16.800 căn nhà trong nửa đầu năm 2016.
Nhưng điều này cũng có nghĩa rằng, những khoản đầu tư dễ dàng, những món hàng dễ bán có thể không còn nhiều. Nhà đầu tư giờ đây sẽ phải đưa ra những sản phẩm có sức cạnh tranh, thiết kế trau truốt và chất lượng dịch vụ cao hơn. Đây chính là thế thế mạnh của những sản phẩm bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài và sự thận trọng của họ phải chăng là sự chuẩn bị để có được những sản phẩm chất lượng đó?